Chương 2 TRẢ LẠI HẠNH PHÚC THUỘC VỀ CÔ
Đúng kiểu Tạ Vi Vi mà tôi biết, kiếp trước nó cũng làm thế.
Chẳng bao lâu, kết quả xét nghiệm ADN được trả về, họ đúng là cha mẹ ruột của nó.
Cầm kết quả, Tạ Vi Vi hỏi tôi: “Mẹ, con có nên nhận họ không?”
Nói là hỏi tôi, nhưng ánh mắt của nó rõ ràng như muốn nói: “Con muốn nhận họ, mong mẹ nuôi đừng làm khó con.”
Không chỉ ánh mắt, từ khi cha mẹ ruột của nó xuất hiện, Tạ Vi Vi chưa từng cân nhắc cảm xúc của tôi, cũng chẳng hỏi xem nếu nó nhận họ, liệu tôi có buồn không.
Giống như nó đã chờ đợi ngày này từ lâu.
Vì vậy, tôi vội vàng nói: “Họ dù sao cũng là cha mẹ ruột của con, nhận họ là điều nên làm.”
Tôi còn đem những lời nó từng nói ở kiếp trước trả lại nguyên vẹn: “Hơn nữa, năm đó họ cũng không cố ý bỏ rơi con, đã tìm kiếm con suốt bao năm trời. Đừng làm lạnh lòng họ. Nếu không, người ngoài sẽ nói gì về con? B,ất hiếu, vong ân, không có lương tâm. Làm người không nên để người ta chỉ trỏ sau lưng như vậy.”
Tạ Vi Vi: “……”
Dù gì thì cuối cùng nó cũng sẽ nhận lại Trần Mai và Lý Dũng. Vậy không bằng bây giờ để nó làm điều đó.
Như vậy, tôi còn đỡ phải lo khoản học phí đại học của nó. Có số tiền mà cho chó ăn, tôi thà để dành cho bản thân đi du lịch còn hơn.
4
Có lẽ vì kiếp này tôi không ngăn cản Tạ Vi Vi nhận cha mẹ ruột, còn ủng hộ nó làm điều đó.
Sau khi làm xong xét nghiệm ADN, nó vui vẻ chấp nhận sự thật rằng Trần Mai và Lý Dũng mới là cha mẹ ruột của mình.
Trần Mai nhân cơ hội này, đề xuất tổ chức lễ nhận con.
Tạ Vi Vi đồng ý.
Nghe nói lễ nhận con được tổ chức rất linh đình, Trần Mai làm tiệc mười mấy bàn, đồng thời chúc mừng Tạ Vi Vi đỗ đại học hệ hai. Dù sao, ở làng của họ, con gái đỗ đại học cũng là hiếm hoi.
Trước khi về, Tạ Vi Vi khách sáo mời tôi tham dự, nhưng tôi từ chối.
Nhân tiện, tôi đưa luôn giấy báo nhập học của nó, dịu dàng nói: “Vì đây vừa là lễ nhận con vừa là lễ mừng đỗ đại học, cầm cái này theo, để nếu có ai nghi ngờ con là con của mẹ, con còn có giấy chứng minh.”
Tạ Vi Vi không nghi ngờ, mang theo giấy tờ mà chẳng thèm xem. Giữa giấy báo nhập học còn kẹp giấy chứng nhận hộ khẩu của nó.
Tôi mỉm cười tiễn nó lên xe, thuận tiện dặn dò: “Ở lại chơi vài ngày, con hiếm khi mới được gặp họ mà.”
Sau khi nó đi, tôi lập tức rao bán tất cả tài sản có thể bán được, chuẩn bị chuồn đi nơi khác.
Làm người, mạng sống là quan trọng nhất.
Ngay từ ngày đầu tiên trọng sinh, tôi đã đăng bán căn nhà trên các trang web và trung tâm môi giới. Vì đây là nhà thuộc khu trường học trọng điểm, tôi còn bán gấp nên giá rẻ.
Khi kết quả xét nghiệm ADN của Tạ Vi Vi và Trần Mai được công bố, nhà đã có người đặt mua.
Ngày tôi nghe Tạ Vi Vi gọi mình là “mẹ nuôi”, tôi đang lo liệu giấy tờ nhà.
Chỉ là Tạ Vi Vi lúc đó đắm chìm trong niềm vui nhận lại cha mẹ ruột, hoàn toàn không nhận ra. Thêm vào đó, thời gian gần đây nó gần như không ở nhà, hoặc đi chơi với bạn, hoặc bị Trần Mai và Lý Dũng gọi đi.
Điều này giúp tôi thuận tiện chuyển nhà.
Chính lúc dọn đồ, tôi phát hiện ra một bí mật mà kiếp trước không hề biết.
Trong phòng của Tạ Vi Vi, tôi nhìn thấy quyển nhật ký của nó.
Nó có thói quen viết nhật ký.
Trước đây, tôi luôn tôn trọng quyền riêng tư của nó, gần như không bao giờ bước vào phòng, càng không nói đến chuyện đọc nhật ký.
Nhưng giờ thì xin lỗi, mọi thứ trong nhà đều do tôi mua, tôi có quyền xử lý.
4
Trong quyển nhật ký, Tạ Vi Vi viết rằng nó đã biết từ lâu mình không phải con ruột của tôi.
Lúc nhỏ, khi tôi gửi nó sang nhà em trai để nhờ chăm sóc mỗi lần phải đi công tác xa, người thân ở quê đã nói cho nó biết sự thật.
Họ còn căn dặn rằng, nó là một đứa trẻ bị bỏ rơi, gặp được tôi là may mắn lớn nhất đời. Nếu không, nó đã không còn sống trên đời.
Bởi vì những năm đó, ở nông thôn, gia đình trọng nam khinh nữ rất nhiều, trẻ em gái bị vứt bỏ không hiếm.
Họ cũng phân tích lý do chồng cũ của tôi không muốn nuôi nó khi ly hôn.
Họ bảo nó phải biết cảm ơn, sau này phải hiếu thảo với tôi.
Mặc dù người thân của tôi nói hơi nhiều chuyện, nhưng phản ứng của nó sau khi biết sự thật còn làm tôi đau lòng hơn.
Nó viết trong nhật ký:
“Cảm ơn cái gì mà cảm ơn, cảm ơn cái quái gì? Ai biết được có phải Tần Duệ không đẻ được nên mới c,ướp tôi từ cha mẹ ruột của tôi về hay không. Bà ta đáng bị chồng cũ ghét bỏ, ruồng rẫy!”
Ngay cả chuyện học hành không tốt, tôi phải cho nó đi học thêm, tịch thu iPad và điện thoại để ép nó cố gắng, trong nhật ký của nó cũng bị coi là bằng chứng cho thấy tôi không yêu thương nó.
Nó viết: “Nhìn bạn bè tôi mà xem, nghỉ lễ là được đi du lịch hoặc ra nước ngoài, còn tôi thì bị ép học hành khổ sở, làm việc nhà, đến cả chơi game cũng không được phép.”
“Còn không phải vì tôi không phải con ruột nên bà ta không thương. Suốt ngày chỉ biết ép tôi làm những thứ tôi không thích.”
Mà việc nhà của nó, đếm trên đầu ngón tay cũng không hết. Những gì tôi yêu cầu nó làm chỉ là dọn phòng của chính nó, và đôi khi, khi tôi bận công việc, nhờ nó quét dọn chút xíu trong nhà.
Về chơi game thì khỏi nói, nó từng có khoảng thời gian mê game, tối nào cũng chơi đến 3-4 giờ sáng, buộc lòng tôi phải tịch thu iPad và điện thoại.
Nó còn tưởng tượng trong nhật ký rằng, cha mẹ ruột của nó là tỷ phú. Một ngày nào đó, họ sẽ lái xe sang, mang theo vệ sĩ đến đón nó về sống trong giới hào môn.
Nói thật, những suy nghĩ ảo tưởng kiểu này đúng là phù hợp với độ tuổi của nó khi đó.
Nhưng tôi không cảm thấy mình đã làm sai trong việc giáo dục nó.
Từ khi nó bắt đầu hiểu chuyện, mọi việc tôi đều bàn bạc với nó, đối xử với nó như một cá nhân độc lập và luôn tôn trọng nó. Tôi chưa bao giờ lấy danh nghĩa làm mẹ để áp đặt, đè nén, hoặc dùng đạo đức để ràng buộc nó.
Ngay cả khi nó nổi loạn tuổi dậy thì, tôi cũng không dùng cách cắt giảm kinh tế để xử lý, thay vào đó là tâm sự, trò chuyện.
Vậy nên, chỉ có thể nói rằng, gen di truyền thực sự quá mạnh mẽ.
Nó hoàn hảo thừa hưởng sự ích kỷ của cha mẹ ruột.
Sau khi đọc xong nhật ký, tôi đem bán nó cùng đống phế liệu cho người thu gom. Dọn dẹp xong nhà cửa, tôi liên lạc với người mua để làm thủ tục chuyển nhượng nhà.
Thủ tục diễn ra thuận lợi.
Ba ngày sau, tôi kéo hành lý rời khỏi thành phố Vân Thành, chuyển đến một thị trấn nhỏ mà tôi luôn yêu thích nhưng trước đây không thể đến vì còn lo cho việc học của Tạ Vi Vi.
Tôi mua một căn nhà ở thị trấn nhỏ đó, dự định định cư lâu dài tại đây.
5
Bảy ngày sau, Tạ Vi Vi cố gắng liên lạc với tôi.
Nó sắp vào đại học, cần học phí và sinh hoạt phí.
Nhưng khi nó trở về, phát hiện nhà đã đổi chủ, mọi thông tin liên lạc của nó với tôi đều bị tôi xóa hoặc chặn.
Không còn cách nào khác, nó đành tìm đến một người bạn thân của tôi, hỏi tôi đang ở đâu.
Tất nhiên, hỏi cũng vô ích, tôi đi mà không để lại lời nhắn nào cho ai, cũng không tiết lộ nơi tôi đến.
Người bạn gọi điện cho tôi hỏi chuyện gì đã xảy ra.
Tôi giải thích ngắn gọn sự việc, rồi nhờ bạn: “Đừng để ý đến nó…”
Lời còn chưa dứt, tôi nghe giọng giận dữ của Tạ Vi Vi từ đầu dây bên kia: “Mẹ, ý mẹ là gì đây?”
Tôi: “……”
Hay lắm, bạn tôi đang bật loa ngoài.
Nhưng cũng chẳng sao.
Tôi còn muốn nói rõ với Tạ Vi Vi.
Tôi lạnh lùng đáp: “Hiện giờ cha mẹ ruột của con đã tìm được con, và con cũng đã trưởng thành. Mẹ không cần giống như trước kia, lo cho con mọi việc nữa. Chúng ta đường ai nấy đi thôi.”
Tạ Vi Vi không phục: “Rõ ràng mẹ là người đồng ý cho con nhận cha mẹ ruột. Con chỉ nghe lời mẹ mới nhận họ mà!”
Tôi cười khẩy: “Cách xưng hô của mẹ trong lòng con đã từ ‘mẹ’ thành ‘mẹ nuôi’ rồi. Con cũng nói nếu mẹ không đồng ý, con sẽ lén nhận họ. Vậy mẹ có thể không đồng ý sao? Hơn nữa, từ khi con về nhận cha mẹ ruột, con chưa một lần hỏi thăm mẹ. Giờ cần tiền mới nhớ đến mẹ, muộn rồi, về tìm cha mẹ ruột của con mà xin.”
Tôi dừng lại một chút: “Còn nữa, con nói nghe lời mẹ mới nhận cha mẹ ruột. Vậy bây giờ, mẹ yêu cầu con đừng tìm mẹ nữa, cũng mong con nghe lời.”
Nói xong, tôi không chờ Tạ Vi Vi đáp lại, lập tức cúp máy.