Chương 1 MÓN QUÀ BỊ LÃNG QUÊN
1
Nước trong nồi đã sôi ùng ục, bốc lên làn hơi trắng mờ, bên trong là những viên bánh trôi đang cuộn tròn lăn tăn.
Bánh trôi là món yêu thích của đứa con trai riêng, Giả Lâm. Từ bé đến lớn, nó đều thích món này.
Mười phút trước, nó cười tươi bảo tôi:
“Dì, con muốn trước ngày cưới được ăn bánh trôi dì nấu một lần nữa.”
Tôi làm sao nỡ từ chối được?
Khi tôi đang chuẩn bị bỏ bánh vào nồi, nó bỗng bước vào, vẻ mặt nghiêm túc lạ thường:
“Dì ơi, cưới xin là chuyện trọng đại, con muốn bái lạy di ảnh của mẹ ruột trước.”
Mẹ ruột của Giả Lâm qua đời vì bệnh khi nó mới năm tuổi. Đã mười mấy năm trôi qua, vậy mà nó vẫn còn nhớ đến mẹ, đúng là một đứa con hiếu thảo.
Tôi ngẩn ra một chút, trong lòng dâng lên một cảm giác khó tả.
Nhưng cuối cùng, tôi vẫn gật đầu đồng ý.
Dù sao cũng chỉ là một bức ảnh, có gì quan trọng đâu.
Nhưng Giả Lâm vẫn không nhúc nhích, cúi đầu, trông như muốn nói lại thôi, dáng vẻ này làm tôi nhớ đến những lúc nó phạm lỗi hồi bé.
“Chuyện là…” Nó cuối cùng cũng mở lời, giọng nói rất khẽ nhưng lại mang chút mạnh mẽ:
“Dì ơi, hay là ngày mai dì ở nhà nhé…”
Tôi ngẩn người, đầu óc ong ong như bị sét đánh. Tôi có nghe nhầm không? Đứa con trai mà tôi chăm sóc như con ruột lại không muốn tôi tham dự lễ cưới của nó?
Khi mang bánh trôi ra phòng khách, trong đó chỉ còn mỗi chồng tôi, Giả Tư Niên.
Ông ta đang vắt chân chữ ngũ, tay cầm điều khiển, lơ đãng chuyển kênh.
“Thằng Lâm đâu rồi?” Tôi cố tỏ ra bình thản hỏi.
“Ra ngoài với bạn rồi, bảo là muốn tổ chức bữa tiệc độc thân cuối cùng trước khi cưới.”
Tôi “ồ” một tiếng, nhưng trong lòng như rơi vào hố băng.
Trên TV đang chiếu một bộ phim hài, nhưng tôi chẳng cười nổi.
Còn Giả Tư Niên, dường như không nhận ra tôi đang có tâm sự.
Cũng phải thôi, suốt mười lăm năm qua, tôi vì cái gia đình này mà hết lòng hết sức, cái dáng vẻ chịu thương chịu khó ấy trong mắt họ đã trở thành chuyện hiển nhiên.
Cuối cùng, tôi không chịu nổi nữa, hỏi thẳng:
“Anh biết chuyện thằng Lâm muốn bái lạy di ảnh mẹ ruột trong lễ cưới chưa?”
Tôi nhìn chằm chằm vào ông ta, muốn nhìn ra chút gì đó từ biểu cảm.
Giả Tư Niên ánh mắt thoáng lóe lên, tránh ánh nhìn của tôi:
“À, nó không có ý gì đâu, chỉ là sợ người ta nói này nói nọ.”
Ông ta húng hắng ho vài tiếng, cầm điều khiển, giả bộ bình thản đổi kênh.
“Nó sợ người ta bảo có mẹ kế thì quên mẹ ruột. Thằng Lâm nghĩ thế cũng đúng thôi. Mẹ nó mất sớm, nếu để người ta nói ra nói vào, chẳng phải lại chĩa mũi nhọn vào em sao? Đúng không?
“Hơn nữa, đây chỉ là hình thức, không có ý nghĩa gì lớn. Thằng Lâm vẫn xem em là mẹ mà.”
Trong lòng tôi cười lạnh.
Thằng Lâm lo này lo kia, nhưng lại chẳng lo chuyện tôi, người mẹ kế này, bị người đời dị nghị.
“Vậy là anh biết từ trước, nhưng không nói với tôi?” Tôi từng chữ một hỏi rõ ràng.
Giả Tư Niên thoáng khựng lại, rồi bất chợt đứng bật dậy, ném mạnh điều khiển xuống ghế sofa, phát ra một tiếng “bốp”.
“Ngô Lập Thu, em đừng có kiếm chuyện! Chỉ là bái lạy một bức ảnh thôi mà, có đáng gì đâu!
“Em chấp nhặt với người ch,et làm gì chứ!”
Tim tôi như bị kim châm, đau đến nghẹn thở.
Mười lăm năm, tôi tự nhủ mình đã dốc hết tâm can cho cha con họ. Nhưng cuối cùng, đây là những gì tôi nhận được.
2
Sáng sớm hôm sau, Giả Tư Niên dậy rất sớm.
Tôi có thể cảm nhận được ông ta đang đi đi lại lại trong phòng. Tiếng động khe khẽ như những cây kim đâm vào tim tôi.
Ông ta thu xếp mọi thứ xong, bước đến bên giường:
“Lập Thu, anh đi đây.
“Em có gì cần anh mang không?”
Tôi không đáp.
Ông ta thở dài, xoay người rời khỏi phòng.
Cánh cửa nhẹ nhàng khép lại, căn phòng lại rơi vào tĩnh lặng.
Đến chín giờ, tôi mới uể oải bò dậy khỏi giường.
Rửa mặt, đánh răng, dọn dẹp nhà cửa.
Mỗi động tác đều như đã được lập trình sẵn, máy móc và trống rỗng.
Dọn dẹp xong, tôi xuống tầng.
“Đi chợ à em?” Chị Vương hàng xóm niềm nở chào hỏi.
Tôi cố kéo khóe miệng cười: “Vâng ạ.”
“Hôm nay con trai em cưới, sao giờ này em còn chưa đi? Đây là ngày vui lớn mà, không được muộn đâu!” Chị Vương nghi hoặc hỏi.
Nụ cười trên mặt tôi cứng đờ, đáp gọn:
“Chị Vương, tôi không có con trai.”
Chị Vương sững người, rồi lập tức ngượng ngùng cười:
“Trời ơi, trí nhớ tôi thật tệ, xin lỗi em nhé, nhớ nhầm rồi, nhớ nhầm rồi.”
Tôi lắc đầu, không nói gì thêm, tiếp tục bước đi.
Lúc chúng tôi chuyển đến đây, Giả Lâm đã mười tuổi.
Cha mẹ tôi vì muốn tôi giữ danh tiếng và để tôi dễ gần gũi với Giả Lâm hơn, đã bảo Giả Tư Niên thương lượng với nó, bảo nó gọi tôi là “mẹ”.
Nhưng Giả Lâm bướng bỉnh từ chối, dù Giả Tư Niên khuyên nhủ thế nào, nó cũng chỉ chịu gọi tôi là “dì”.
Khi đó, tôi ngây thơ nghĩ rằng chỉ vì nó còn nhỏ, chưa thể chấp nhận được mẹ kế.
Tôi tự an ủi mình: không sao, thời gian sẽ chứng minh tất cả. Tôi sẽ dùng tấm lòng để cảm hóa nó, để nó chấp nhận tôi.
Nhưng chờ đợi mười mấy năm, cách gọi ấy vẫn không thay đổi.
Hàng xóm trong khu cũng dần dần biết tôi chỉ là “dì kế”.
Mười mấy năm trôi qua, ai cũng rõ rằng, đứa con riêng này có lẽ chưa bao giờ xem tôi là mẹ.
Nhất là hôm nay, tôi không đến dự đám cưới, khu phố chắc chắn sẽ lại xôn xao bàn tán.
Nhưng họ sẽ không nói Giả Lâm là đứa vong ơn, mà sẽ đổ lỗi rằng tôi làm mẹ kế chưa đủ tốt.
Ngày trước, tôi sẽ tự trách mình, cố gắng tìm cách bù đắp. Nhưng bây giờ, tôi đã mệt rồi.
3
Khi Giả Tư Niên về nhà, trời đã sang trưa. Ông xách theo một túi đồ ăn từ khách sạn mang về.
Tôi chỉ liếc qua là biết đó là mấy món bánh ngọt và thịt mỡ.
Thật tuyệt, toàn là những thứ tôi, một người bị cao huyết áp và cao đường huyết, không thể ăn được.
Sắc mặt ông ta cực tệ, rõ ràng đang muốn hỏi về món quà cưới mà tôi chuẩn bị cho Giả Lâm.
“Lập Thu…” Cuối cùng ông ta cũng không nhịn được mà mở miệng, giọng điệu pha lẫn mệnh lệnh:
“Em chẳng phải nói là đã chuẩn bị quà cưới cho thằng Lâm rồi sao?!”
Tôi lạnh nhạt đáp:
“Quà? Quà gì cơ? Tôi đâu có đi mà đưa quà được?”
“Em! Em thực sự không chuẩn bị gì sao?” Giả Tư Niên chỉ vào tôi, thất vọng lắc đầu liên tục.
Nhưng vài giây sau, dường như nhận ra thái độ mình không đúng, ông ta vội thay đổi sắc mặt, trở nên dịu dàng hơn:
“Thôi nào, thằng Lâm từ nhỏ đã vậy, cứng đầu và cố chấp, em không biết sao.
“Hôm nay trong tiệc cưới, nó còn đặc biệt nhắc đến em đấy.”
Tôi ngẩng đầu lên, chờ xem ông ta nói gì tiếp.
“Nó nói…” Giả Tư Niên ngập ngừng, như đang lựa lời, “nó nói rất cảm ơn em đã chăm sóc nó suốt những năm qua. Sau này sẽ cùng con dâu hiếu thảo với em.”
Tôi chỉ lạnh nhạt đáp “ừ” một tiếng, không nói thêm gì.
“Lập Thu,” ông ta tiến lại gần, bàn tay mềm mại đặt lên bàn tay thô ráp của tôi,
“Thôi đừng giận nữa. Anh chẳng phải đã xin lỗi rồi sao? Chúng ta là vợ chồng lâu năm rồi, đừng vì chuyện nhỏ mà giận dỗi mãi.
“Em nhìn anh xem, hôm nay trong tiệc cưới còn chẳng ăn no. Em hâm lại mấy món này, hai vợ chồng mình ở nhà ăn một bữa thôi.”
Giả Tư Niên nghĩ rằng, ông ta đã hạ giọng, thì tôi sẽ giống như mọi khi, nhẹ nhàng bỏ qua và tiếp tục làm tròn vai một người vợ, người mẹ kế tốt.
Nhưng lần này, tôi không còn muốn tự lừa dối mình nữa.
Tôi rút tay lại, cầm túi đồ ăn mà ông ta đưa, ném thẳng vào thùng rác dưới chân.
Cứ như đang vứt bỏ mười mấy năm tình cảm, không chút do dự.
“Anh không biết à? Tôi bị cao huyết áp, cao đường huyết, mấy thứ này tôi không ăn được!
“Đúng vậy, chúng ta là vợ chồng lâu năm, vậy tôi cũng nói thẳng luôn. Tôi không chuẩn bị quà gì cả. Thêm nữa, tôi muốn ly hôn!”
Giả Tư Niên sững người, chớp chớp mắt, dường như không tin nổi tai mình.
“Em… em nói gì cơ?” Ông ta lắp bắp hỏi, “Chỉ vì chuyện nhỏ này mà em đòi ly hôn?”
Tôi không đáp, quay người vào phòng, lôi chiếc vali cũ kỹ ra.
Chiếc vali bề ngoài trông như còn mới, nhưng thực ra các góc cạnh đã bong tróc, lộ ra lớp bọt biển bên trong ngả màu vàng úa.
Giống như cuộc sống gia đình mà tôi vun vén suốt mười lăm năm qua, bên ngoài thì êm ấm, nhưng bên trong đã mục ruỗng từ lâu.
“Em lại làm loạn gì đây? Không phải chỉ là chuyện hôm nay thằng Lâm bái mẹ nó thôi sao? Anh đã giải thích rồi, em còn chấp nhặt cái gì… Em lại định bỏ nhà đi nữa hả?” Giả Tư Niên bực bội nói.
Tôi nhìn người đàn ông đã chung sống mười lăm năm mà không tin vào mắt mình.
Ông ta làm giáo viên, ra ngoài thì tỏ ra có học thức, thế mà sao chỉ riêng với tôi lại lạnh nhạt như vậy?
Tôi không thể kìm nén nữa, nỗi ấm ức và giận dữ tích tụ bao năm bùng phát như núi lửa phun trào.
“Ông nghĩ kỹ lại đi! Sống với ông mười lăm năm, tôi chỉ bỏ đi một lần, mà đó là mười ba năm trước!
“Ông quên lý do tại sao rồi sao? Giờ ông lại nói thế này với tôi! Thôi đủ rồi, Giả Tư Niên, chia tay trong êm đẹp đi!”